LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ NGHIỆP VỤ LỒNG TIẾNG
- Chuyên mục: Thu âm game
- Được viết ngày 23 Tháng 8 2015
- Viết bởi : Tân phong Promotion
- Lượt xem: 3473
LỊCH SỬ RA ĐỜI VÀ NGHIỆP VỤ LỒNG TIẾNG.
Nghiệp vụ lồng tiếng cho các nhân vật trong phim đã có từ rất lâu, nó xuất hiện chỉ sau một thời gian ngắn phát triển của nghệ thuật điện ảnh. Bước vào những năm 30 của kỷ nguyên XX, khi điện ảnh đã tạo ra được âm thanh cho phim người ta buộc phải cách ly trường quay ra khỏi không gian đầy tạp âm của sinh hoạt đời thường, của môi trường chung quanh. Từ đó đến nay, đã biết bao cải tiến và các công nghệ kỹ thuật luôn tìm cách làm nhẹ đi áp lực để giá thành không còn chi trả cho những thước phim bị hỏng do kỹ thuật và điều kém cỏi, làm ảnh hưởng đến việc sáng tạo của người đạo diễn.
Việc các âm từ những ngày đầu đòi hỏi nghiêm ngặt đến mức những người sáng tạo luôn trong không khí ngột ngạt, căng thẳng. Trường quay thời này được xây hoàn toàn cách biệt, có khi những căn nhà dùng làm phim trường hoàn toàn không có cửa sổ, mái trần cũng được thiết kế để bố trí ánh sáng quay phim mà có người còn gọi là “rừng đèn”.
Khi ấy những bộ phim đều thường mang bối cảnh nội thất và tiếng nói của diễn viên luôn đảm bảo nghe rõ. Những trường đoạn ngoài phố hay đông người thường rất phức tạp và khó thực hiện. Những lúc ấy hình thành nên một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ lồng tiếng lại cho phim như thời gian đầu khi phim mới có tiếng nói nhưng lần này là chính diễn viên tự khớp tiếng cho nhân vật mình đóng.
Việc nhân vật nói lên tiếng nói của mình thông qua bản thân người nghệ sĩ đã có từ rất lâu và trong các loại hình nghệ thuật sân khấu đã luôn làm như vậy. Đến khi xuất hiện nghệ thuật điện ảnh cũng là bộ môn mà chủ thể sáng tạo là con người thì cũng không nằm ngoài quy luật này. Những diễn viên đến với nghệ thuật này cũng chính là những nghệ sĩ xuất thân từ sân khấu hay các đoàn tạp kỹ. Họ có một vóc dáng đủ đẹp, ăn hình, một kỹ năng hình thể để múa, khiêu vũ và trước hết là một giọng nói truyền cảm đầy sức thuyết phục. Các tên tuổi đã làm nên ánh hào quang sáng chói đến tận ngày nay vẫn được nhắc đến như một tượng đài trong ngành điện ảnh như: Greata Garbo, Humphrey Bogart, Vivien Leigh, Clack Gable,…v..v… và ngay như ông hoàng của phim câm, một thiên tài điện ảnh như Charlie Charplin đến cuối đời cũng để lại những bộ phim nói của chính mình (mặc dù ông không ủng hộ lắm) mà những phim ấy người xem được nghe thật cái “đài từ” tuyệt vời của người nghệ sĩ. Tất nhiên thôi, vì xuất thân của vua hề chính là từ sân khấu mà.
Vậy vai trò, vị trí của người diễn viên lồng tiếng đặt ở đâu và công việc chính là những gì?
Nhìn lại lịch sử phát triển của điện ảnh Việt Nam từ ngày đầu du nhập vào và đến khi phát triển thì trong ký ức nhiều người chắc vẫn còn nhớ. Ngoài những bộ phim được quay trong thời kỳ chiến tranh ác liệt phục vụ cho công cuộc chiến đấu của nhân dân và ca ngợi gương anh hùng bất khuất bên cạnh những thước phim tài liệu về công cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước thì điện ảnh đến với người dân còn là một phương tiện giải trí và kiếm tiền. Rất hiếm những người có được những chiếc máy chiếu phim 16 ly chuyên chiếu những phim ngắn lúc đầu là quay phong cảnh đến hình ảnh sinh hoạt của con người trong cuộc sống thường ngày như ở các chợ, con phố, người kéo xe, quang gánh… hấp dẫn hơn hết và luôn được giới con nít yêu thích là những bộ phim về anh chàng Charlô với cái bị và cây gậy điển hình. Hình ảnh chiếc xe thùng với hai cái lỗ như ống nhòm thật ma lực khi cửa sập được kéo lên và diễn ra trước mắt trẻ thơ những hình ảnh chuyển động đầy hấp dẫn và vô cùng kinh ngạc đến nỗi tưởng tượng không hiểu sao con người có thể thu nhỏ được để bỏ vào cái hộp bé xíu như vậy. Đó là ký ức vào những năm 60 nhưng phải biết rằng thời gian ấy trên thế giới phim nói đã ra mắt từ rất lâu rồi.
Phát triển hơn một chút dần dần xuất hiện các rạp chiếu bóng chuyên chiếu những phim Ấn Độ và lần đầu tiên khán giả xem phim trên màn ảnh và thấy diễn viên nói bằng tiếng Việt. Từ những năm sau đó xuất hiện một lớp những nghệ sĩ chuyên làm công việc chuyển âm cho phim sau khi được dịch thuật sang kịch bản tiếng Việt. Những tên tuổi đến với công việc lồng tiếng ấy có thể kể: Chú Hồng Phúc, Chú Nguyễn Hưng, Chú Minh Khánh, Cô Hồng Phước, Chị Tú Trinh… và còn nhiều nghệ sĩ nữa cần nhắc đến khi học làm công việc này vì kế sinh nhai và có người đã ra đi.
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, những bộ phim từ ngày đầu ấy cũng được thực hiện tuy có phần thuận tiện hơn vì không gặp nhiều khó khăn về bối cảnh do không còn chiến tranh nhưng so ra đến nay ngoài sự trang bị phương tiện kỹ thuật tiên tiến hơn, máy móc thiết bị được nhập vào hiện đại hơn thì những công đoạn làm phim khác vẫn dừng tại chỗ như những gì chúng ta có vào những ngày đầu của điện ảnh. Thật đáng tiếc nếu như vẫn cứ giữ nguyên những gì đã làm và làm những gì đã có như cũ thì nghệ thuật nước nhà không thể theo kịp trào lưu tiến bộ so với thế giới. Muốn khắc phục được những điều mang tính cơ bản ấy không gì khác hơn là hãy ý thức một phương pháp làm việc và hành nghề cũng mang tính căn cơ như vậy.
Vậy thì việc để cho nhân vật nói tiếng nói cũa chính nó là hoàn toàn đúng và không thể thay đổi, nghĩa là người diễn viên phải tự tu dưỡng và rèn luyện sao cho ngoài hình thể và gương mặt đẹp còn phải có một giọng nói đẹp. Các đạo diễn khi chọn nhân vật cho bộ phim của mình trước hết cần lưu ý đến giọng nói và tiếng nói của diễn viên, ngay như người diễn viên ấy được chọn từ cuộc sống thật thì chính các yếu tố thật ấy lại đòi họi người đạo diễn cần phải chỉ đạo diễn xuất cho được để người diễn viên sống thật hơn nhân vật của mình.
Nói như vậy không lẽ người diễn viên lồng tiếng sẽ thất nghiệp, là không còn cần thiết nữa cho điện ảnh?
Hoàn toàn không, vì theo như nhận định thì cho đến được cái ngày điện ảnh nước nhà có được một đội ngũ diễn viên vừa đẹp về sắc mà còn đẹp cả về giọng nói và hơn nữa ý thức về một công nghệ thu tiếng đồng bộ khi kỹ thuật xóa tạp âm, tách rời từng tần số riêng biệt mà hiện nay thế giới đang tiến đến thì lúc ấy người diễn viên lồng tiêng và công viêc chuyển âm vẫn còn chỗ đứng của nó. Nhưng để thực hiện được công việc vô cùng tinh tế và đầy tính nghệ thuật ấy đòi hỏi người nghệ sĩ lồng tiếng phải rèn luyện một kỹ năng dồi dào và phong phú về cảm xúc cũng như luôn trang bị kho tang vốn tử tiếng mẹ đẻ để góp phần hỗ trợ, bổ sung cho đời sống các nhân vật khi mà người diễn viên điện ảnh vì lý do khách quan hay còn hạn chế nên không thể trọn vẹn trong sáng tạo nhân vật. Những lúc ấy sự hòa nhập và nắm bắt từng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật đòi hỏi phải thật sâu sắc và đủ bản lĩnh. Chính vì vậy giáo trình rèn luyện tiếng nói và sử dụng hiệu quả trong công việc chuyển âm và lồng tiếng sẽ trang bị kỹ năng và năng lực sáng tạo cho người diễn viên lồng tiếng.
Người diễn viên lồng tiếng trong tương lai chủ yếu không phải để lồng tiếng cho các diễn viên đóng trong phim nữa vì nếu như vậy đồng nghĩa nghệ thuật điện ảnh sẽ đi xuống. Công việc chính của người diễn viên lồng tiếng đó là vận dụng kiến thức căn bản và các kỹ năng được rèn luyện kết hợp với một tâm hồn phong phú về văn học để giúp cho các nhân vật trên phim không có tiếng nói của dân tộc mình hay nói cách khác đó là những bộ phim nước ngoài. Khi đó vai trò của người diễn viên lồng tiếng rất quan trọng sao cho thể hiện được cái hồn của nhân vật trong phim mà vẫn giữ được những cảm xúc chân thật mà người nghệ sĩ điện ảnh đó đã thể hiện. Để làm được điều đó người diễn viên lồng tiếng cần có một phương pháp tập luyện không khác gì những học viên sân khấu ngày đầu đến với bộ môn lồng tiếng cũng phải am hiểu tính hành động và quá trình diễn biến hành động để có được những cảm xúc chân thật từ cái thủ thỉ đến những câu gào thét giận giữ và nhất là nắm được hơi thở của nhân vật (có những nhân vật sau khi chạy hàng trăm mét nhưng giọng nói vẫn rõ và đẹp như “người đẹp ngủ trong rừng” vừa mới thức dậy vậy!).
Một nghiêp vụ nữa cũng rất cần và thể hiện vai trò cùng bản lĩnh của người diễn viên lồng tiếng đó là công việc lồng tiếng cho những nhân vật trong các phim hoạt họa hay những phim mang màu sắc nhân cách hóa từ các đồ vật và các loài vật. Đây chính là thiên đường và mảnh đất màu mỡ để người nghệ sĩ thể hiện tài năng của mình. Đã không ít những nghệ sĩ thượng thặng đóng phim cũng giỏi mà khi lồng tiếng cho các nhân vật hoạt họa cũng đã không ít gặt hái thành công bằng những giải thưởng cao quý. Chính đó là những gì người diễn viên lồng tiếng xác định và định hướng cho lãnh vực nghề nghiệp một cách nghiêm túc và đúng đắn…
Tin mới
- THU ÂM QUẢNG CÁO VỚI GIÁ TỐT NHẤT - 12/12/2015 16:38
- GIỚI THIỆU VỀ CÔNG TY TÂN PHONG PROMOTION - 07/10/2015 04:19
- HÌNH ẢNH HẬU TRƯỜNG CỦA TÂN PHONG PROMOTION ĐƯỢC BÁO TUỔI TRẺ QUAY HÌNH - 19/09/2015 04:51
- CÔNG TÁC VIÊN THU ÂM GIỌNG ĐỌC QUẢNG CÁO - LỒNG TIẾNG - 19/09/2015 02:54
- CUNG CẤP GIỌNG ĐỌC - 15/09/2015 15:27