LỒNG TIẾNG PHIM – KẾT NỐI ĐAM MÊ CỦA BẠN
- Chuyên mục: Giới thiệu
- Được viết ngày 07 Tháng 6 2015
- Viết bởi : Admin
- Lượt xem: 3954
CÁI TÌNH CỦA NGHỀ THẦM LẶNG VÀ GIẤU MẶT
Họ – diễn viên, nghệ sĩ lồng tiếng, những người lặng thầm đằng sau những thành công của những bộ phim. Đến với nghề, dù biết phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà họ giảm đam mê. Nhiều người phải lăn lộn nhiều công việc ngoài đời, nhưng khi vào đến phòng thu, được khóc, cười, sống cùng nhân vật lại như được sống thêm nhiều cuộc đời khác. Ấy cũng là một hạnh phúc trong đời.
Có thể nói Phim bộ TVB đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với rất nhiều khán giả màn ảnh nhỏ, hấp dẫn khán giả Việt không chỉ bởi nội dung phong phú, dàn viễn viên diễn xuất tốt, ngoại hình đẹp mà còn hấp dẫn người xem bởi giọng lồng tiếng chuyên nghiệp, truyền cảm của những “người hùng giấu mặt” – diễn viên lồng tiếng.
Có lẽ khái niệm về nghề lồng tiếng thì không cần nhắc đến nữa, vì báo đài cũng đã đề cập khá nhiều, người xem phim truyền hình ngày nay cũng đã khá quen thuộc. Có thể nói Nghề nào cũng có cái khó riêng của nó, nhưng Nghề lồng tiếng là một nghề đa dạng tính cách, đa dạng giọng nói. Công việc, tài năng và thu nhập của diễn viên lồng tiếng gắn liền với phòng thu, cần mẫn với kịch bản, bám sát với tính cách và sức sống của nhân vật. Dù xuất hiện suốt bộ phim và tốn khá nhiều công sức, nhưng lại ít được biết đến.
Diễn, nói, vui, buồn, hờn, giận, khóc, cười là công việc lặp đi lặp lại hàng ngày của những diễn viên lồng tiếng. Một diễn viên có thể lồng tiếng cho nhiều nhân vật: già, trẻ, thậm chí cả tiếng trẻ con. Đó là cái khó, cũng là điểm thú vị nhất của diễn viên lồng tiếng. Họ luôn phải hoá thân vào các nhân vật với nhiều tâm trạng khác nhau, lúc vui lúc buồn thậm chí đôi khi còn phải điên cuồng theo nhân vật.
LÀM ẨU – GIẾT CHẾT NHÂN VẬT CỦA BẠN.
Dù chỉ là những "diễn viên giấu mặt" nhưng để hoàn thành tốt phần lồng tiếng, họ cũng phải làm việc rất chăm chỉ, luôn giữ cái đầu thật tỉnh táo và sử dụng khả năng diễn xuất tài tình bởi cùng một lúc phải "đóng" nhiều vai từ trẻ con, người trưởng thành đến người già...
Đối với khán giả, diễn xuất của diễn viên là quan trọng nhất nhưng trên thực tế người lồng tiếng cũng là một phần của nhân vật đó, họ cùng sống, cùng diễn với nhân vật trên màn ảnh, chỉ khác là họ không được thấy mà chỉ được nghe mà thôi. Cái khó của người làm nghề này vẫn là kỹ thuật diễn xuất, thứ cần phải học thì mới làm tốt được. Người lồng tiếng phải canh sao cho lời nói khớp với khẩu hình nhân vật đồng thời phải diễn cảm. Đôi khi một câu nói phải lặp đi lặp lại quá nhiều lần làm cho những cảm xúc không còn nguyên vẹn như ban đầu. Cho nên nếu được học về việc kìm giữ cảm xúc, người làm sẽ biết cách tiết chế.
Đạo diễn – Diễn viên, diễn viên lồng tiếng Cao Thanh Danh từng làm cho rất nhiều phim cho biết : “nghề này không phải chuyện chơi, làm ẩu là giết nhân vật liền,vì cảm xúc của giọng nói quyết định đến hiệu quả diễn xuất của nhân vật.”
Đạo diễn – Diễn viên, diễn viên lồng tiếng Cao Thanh Danh
Có thể nói Lồng tiếng cho phim Việt khó hơn phim bộ nước ngoài rất nhiều, vì tiết tấu câu chậm, rõ ràng, diễn viên phải lồng sao cho thật khớp với nhân vật, không được sai lệch dù chỉ nửa giây. Còn phim nước ngoài tiết tấu câu nhanh, cách phát âm khác, một người có thể lồng được 4-5 vai . Chính do yêu cầu khắt khe như vậy, nên phim Việt rất khó để một người lồng tiếng cho nhiều nhân vật cùng lúc, khán giả sẽ nhận ra ngay sự trùng lặp,gây nhàm chán.
Dù nghề lồng tiếng không mang lại danh vọng, tiền tài nhiều nhưng “những ngôi sao thầm lặng” ấy vẫn tâm huyết tiếp tục theo đuổi nghề, âm thầm làm nhịp cầu nối "chuyển âm, chuyển ý" đến khán giả gần xa.
Họ không chỉ quyết định 50% thành công cho bộ phim mà còn góp phần tạo nên tuổi thơ đáng nhớ của những người yêu thích phim truyện.